Trở thành thiên tài là do yếu tố di truyền?

Trở thành thiên tài là do yếu tố di truyền?

“Một người trở thành thiên tài hay không hoàn toàn là do yếu tố di truyền” – quan điểm này đã có những thay đổi nhất định trong những năm qua với định hướng môi trường sống và sự giáo dục mới là yếu tố quyết định tạo ra thiên tài.

Cuốn sách “Thiên tài & Sự giáo dục từ sớm – tác giả Kimura Kyuichi, nhà xuất bản tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (First News)” đã kể ra những câu chuyện về cách mà một số thiên tài được giáo dục khi còn nhỏ. William James Sidis 11 tuổi vào học tại Đại học Harvard; Adoref Augustus Berle 16 tuổi tốt nghiệp Havard; Norbert Wiener học ở Đại học Taft năm 10 tuổi và 18 tuổi đỗ tiến sỹ; Karl Witte một đứa trẻ bị đánh giá là kém phát triển mà tới năm 9 tuổi đã thông thạo 6 thứ tiếng, cùng năm đó vào đại học Leipzig... là những ví dụ được nêu ra trong cuốn sách.

Sau đây chúng tôi sẽ trích dẫn 1 phần rất nhỏ trong cuốn sách về cách Karl Witte được cha mẹ giáo dục như thế nào trong những năm đầu đời.

Việc đầu tiên và quan trọng nhất chính là giáo dục ngôn ngữ, bởi ngôn ngữ là công cụ để tiếp cận mọi kiến thức khác. Để phát huy khả năng này của trẻ, ngay từ đầu nên tìm cách cho trẻ thuộc và nhớ từ vựng. Witte con được làm quen với các danh từ thông qua các hành động miêu tả. Witte bố đưa các ngón tay tới trước mặt con cho con tập nắm lấy và khi bé vui mừng nắm được thì bố phát âm “ngón tay, ngón tay”. Sau đó Witte con được học tất cả đồ vật trong nhà, ngoài sân, ngoài làng dần dần mở rộng ra. Phương pháp của Witte cha là kể những câu chuyện liên quan đến sự vật muốn dạy và kèm thêm vào đó những từ mới có liên quan, đồng thời giải thích ý nghĩa của những từ đó. Không được sử dụng tiếng địa phương và các ngôn ngữ khác. Học ngôn ngữ bản địa đầu tiên.

Cha Witte bắt đầu dạy con đọc từ lúc 3 tuổi, nhưng ông không bắt ép con học. Ông luôn biết cách tạo hứng thú cho con, rồi sau đó mới bắt đầu dạy. Đối với việc đọc sách, đầu tiên ông mua tranh và sách bằng tranh dành cho trẻ em, sau đó nghĩ ra những điều thú vị để nói với con nhằm kích thích trí tò mò của con, như “Con không biết chữ thì làm sao mà hiểu được cuốn sách này?”, “Có rất nhiều câu chuyện hay, thú vị về bức tranh này” ... Thế là Witte con bắt đầu muốn tập đọc chữ và Witte cha bắt đầu dạy. Ngay từ lúc 3 tuổi, Witte cha thường dẫn con đi dạo mỗi ngày 2 tiếng. Trong thời gian đó, Witte cha nói với con rất nhiều điều. Đi qua cánh đồng hoa, ông giảng giải cho con nghe về côn trùng, các loài thực vật ... nhờ đó khi đọc sách về thực vật học, động vật học, Witte con có thể nắm bắt vấn đề rất nhanh.

Bên cạnh việc tạo hứng thú, ông còn khuyến khích con đặt câu hỏi. Và điều đặc biệt là Witte không trả lời hời hợt cho xong mà cố gắng truyền đạt cho con những kiến thức chính xác nhất. Nếu gặp phải câu hỏi mà chính mình cũng chưa chắc chắn ông thừa nhận mình không biết và sau đó hai cha con sẽ cùng tìm hiểu tại các tiệm sách hoặc thư viện. Bằng cách đó, ông đã tập cho con thói quen tìm tòi kiến thức, gạt bỏ thói đại khái, giản tiện trong học tập và nghiên cứu.

Đối với môn địa lý Witte cha dạy con bằng cách dẫn con đi dạo quanh khu vực mình sống. Nhờ đó mà Witte con có những khái niệm cơ bản về các vùng lân cận. Trong làng có 1 ngọn tháp cao mà 2 cha con thường trèo lên chơi. Ở trên đó Witte con có thể quan sát khắp bốn phía và được giảng giải phía này là phía gì, phía kia là phía gì. Từ đó 2 cha con vẽ 1 bản đồ sơ lược. Sau đó hai cha con tiếp tục đi dạo khu vực xung quanh và lần lượt bổ sung đường đi, rừng núi, cây cỏ ... Xong xuôi ông mua 1 tấm bản đồ chuẩn để đối chiếu với bản đồ đã vẽ và điều chỉnh những chỗ chưa chính xác.

Dạy trẻ gần gũi với thiên nhiên cũng là một điều cần thiết. Cha Witte đã dành một khoảng nhỏ ngay trong sân để làm khu vườn vui chơi cho con. Ở đó trải nhiều sỏi, trồng nhiều cây và hoa. Ở đó Witte có thể tìm hiểu về thực vật và các loài côn trùng.

Witte cha cho rằng trẻ em rất thích bắt chước người lớn và những công việc trong nhà bếp là điều mà trẻ đặc biệt thích tham gia. Vì thế ông đã mua cho Witte một bộ đồ chơi là dụng cụ nhà bếp. Điều đặc biệt là mẹ Witte rất thích vừa làm bếp vừa tận tình trả lời các câu hỏi của con, sau đó hướng dẫn để con làm các món ăn với các đồ chơi. Có khi bà đóng vai đầu bếp, Witte là chủ nhà. Chủ nhà đưa ra các yêu cầu để đầu bếp thực hiện. Những trò chơi “đóng vai” như thế làm Witte rất hào hứng. Ngay cả khi dạy con về lịch sử mẹ Witte cũng hay cùng con diễn lại những câu chuyện như vậy để củng cố lịch sử cho con.

Trò chơi của trẻ con nên được ẩn chứa những mục đích nhất định để thông qua đó trẻ sử dụng được cái đầu của mình trong đó.

Cha Witte khuyến khích con toàn tâm toàn ý trong lúc học, đồng thời phân biệt thời gian học và chơi nhưng cách ông kết hợp “chơi mà học, học mà chơi” là rất đáng quan tâm. Trong bất cứ hoạt động nào ông đều cố gắng mở rộng hiểu biết cho con. Và bản thân ông luôn là tấm gương để con học theo. Khi ông đang dành thời gian chơi với con mà có khách tới chơi ông cũng khéo léo “Xin lỗi, đợi tôi một chút” và nhất quyết không rời khỏi vị trí.

Bên cạnh đó Witte còn được học cách sử dụng đồng tiền có ý nghĩa. Witte được cha thưởng những đồng xu rất bé nhỏ khi đạt được những thành tích tốt và làm được những việc thành công. Vào dịp Giáng sinh Witte có thể dùng số tiền tiết kiệm ít ỏi đó để mua quà cho bạn bè và người khó khăn. Khi trong vùng có thiên tai, cha thường dẫn Witte tới trực tiếp các vùng đó để cảm nhận khó khăn mà họ gặp phải đồng thời dùng tiền của mình để đóng góp. Nhờ đó ngay từ nhỏ Witte đã được giáo dục làm việc thiện và có tâm lý hướng thiện.

Các thiên tài có một tính cách đặc biệt là niềm say mê mãnh liệt và sự tập trung cao độ và nếu chịu khó quan sát cha mẹ sẽ dễ dàng nhận thấy những khoảnh khắc này. “Khi thấy con tập trung chú ý vào cái gì, tôi liền hướng vào cái đó để nói”. Nếu biết nắm bắt đúng thời điểm và tích cực tác động, chúng ta có thể giúp trẻ phát huy tối đa năng lực.

Lời bình:

Cuốn sách “Thiên tài & Sự giáo dục từ sớm – tác giả Kimura Kyuichi, nhà xuất bản tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (First News)” là một tài liệu tham khảo rất hay dành cho các bậc cha mẹ xác định tâm lý và định hình quyết tâm dành thời gian giáo dục con trẻ từ bé. Ở đây chúng ta cũng cần nắm rõ bản thân những bậc cha mẹ trong các câu chuyện cũng đều là những người có tầm tri thức rất cao, có kiến thức siêu việt trong nhiều lĩnh vực để có thể truyền đạt cho con cái. Nhưng chúng tôi tin rằng nếu có quyết tâm và tình yêu thương không giới hạn thì bất cứ bậc cha mẹ nào cũng có thể nghiên cứu áp dụng những điều phù hợp với đất nước, văn hoá, môi trường sống của trẻ và phần nào giúp con mình sớm trưởng thành.

Bên cạnh đó do cuốn sách được viết dưới dạng những câu chuyện kể nên độc giả sẽ gặp khó khăn nhất định trong việc sắp xếp các nội dung phù hợp theo từng chủ đề mà mình quan tâm.

Link download Cuốn sách “Thiên tài & Sự giáo dục từ sớm – tác giả Kimura Kyuichi: TẠI ĐÂY

Mr ATD - Giaoducsom.org Team

Bình luận

Họ tên:
Mobile:
Email:
Nội dung: