Chia sẻ cách dạy chữ cái, dạy đánh vần tiếng việt cho bé từ 3-5 tuổi

Chia sẻ cách dạy chữ cái, dạy đánh vần tiếng việt cho bé từ 3-5 tuổi

Chào các mẹ!

Thời gian gần đây mẹ Xu đưa một số hình ảnh hoạt động của bạn Xu liên quan đến việc tập đánh vần của bạn ấy lên trang Facebook cá nhân và nhận được một số câu hỏi của các mẹ rằng mẹ Xu áp dụng phương pháp nào trong việc này…

Thực ra với việc dạy nhận biết bảng chữ cái và tập đánh vần cho bạn ấy, mẹ Xu không áp dụng phương pháp nào rõ ràng cả. Tất cả các hoạt động chỉ áp dụng một nguyên tắc duy nhất: “Mưa dầm thấm lâu” thôi các mẹ ạ. Mẹ Xu xin chia sẻ lại một số cách mẹ đã làm, bố mẹ có thể tham khảo và áp dụng cho các con.

Cách bạn Xu học bảng chữ cái tiếng việt như thế nào?

Bước 1: Cho bạn Xu làm quen với chữ cái tiếng Việt:

Ngay từ khi bạn ấy được khoảng 3 tuổi, Mẹ Xu bắt đầu cho bạn ấy làm quen với chữ cái tiếng Việt bằng những cách tiếp cận tự nhiên nhất. Mẹo nhỏ trong việc này mẹ Xu áp dụng dán bảng tên các đồ vật trong gia đình mà bạn ấy thường nhìn thấy như: kệ sách, ti vi, cánh cửa, tủ quần áo… Mỗi khi sử dụng các món đồ vật đó mẹ đều đọc tên để bạn ấy bắt đầu được làm quen dần. Tiếp đó vào giờ đọc sách với ba bạn ấy lại được ba đánh vần tên tựa đề mỗi cuốn sách, rồi chỉ tên những chữ cái trong đó. Những việc làm ấy cứ diễn ra rất tự nhiên và đều đặn hàng ngày để bạn ấy dần trở lên quen thuộc hơn.

Sau khi trải qua bước đầu làm quen, bạn Xu tiếp tục được mẹ thêm vào bảng chữ cái tiếng Việt trong góc hoạt động của mình (mẹ Xu lựa chọn bảng chữ cái thường cho bạn ấy), và quy định một tuần sẽ có khoảng 2-3 hoạt động liên quan thay đổi để giúp bạn ấy hứng thú hơn. Ban đầu mẹ bắt đầu đọc tên chữ trong bảng chữ cái để bạn ấy đọc theo. giai đoạn đầu các bạn ấy sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phát âm này, mẹ cố gắng kiên trì giúp bạn ấy phát âm lại cho đúng, nổi nóng trong bước này sẽ gây áp lực cho các bạn ấy.

Bước 2: Tạo hoạt động để ghi nhớ hình ảnh, phát âm chữ cái tiếng Việt

Khi việc làm quen với mặt chữ trong bảng chữ cái đã cơ bản hoàn thành, việc của mẹ là bắt đầu với thật nhiều hoạt động để bạn ấy ghi nhớ mặt chữ tốt hơn. Như những cách đã làm với việc làm quen với chữ số, mẹ Xu cũng có một số hoạt động áp dụng tương tự sao cho cách để bạn ấy được tiếp cận tự nhiên và hứng thú nhất. Có thể khi cùng đi siêu thị với mẹ qua một quầy hàng nếu vắng người mẹ cũng có thể chơi được bằng cách mời bạn ấy tham gia tìm chữ cái trong hình, hoặc buổi chiều đi học về ngang qua bãi cát, sỏi hai mẹ con cùng nhau tạo hình chữ cái, hay mình cùng tạo hình chữ cái qua khuôn làm đá lạnh, vẽ chữ nổi trên khay nước…

Bố mẹ tham khảo thêm một số hình ảnh hoạt động làm quen với chữ cái, tập đánh vần cho bé từ 3-5 tuổi: TẠI ĐÂY

Với tất cả những cách tiếp cận đó mẹ Xu nhận thấy khả năng sao chép và ghi nhớ của bạn ấy tốt hơn rất nhiều, ít áp lực và căng thẳng hơn cách đánh vật với nhau khi đọc bảng chữ cái theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên hàng tuần đều đặn mẹ Xu vẫn yêu cầu bạn ấy đọc lại bảng chữ cái để hệ thống lại những hình ảnh mà bạn ấy đã ghi nhớ được.

Học đánh vần tiếng Việt sao cho hiệu quả?

Sau một khoảng thời gian dài bạn Xu tham gia các hoạt động nhận biết với bảng chữ cái đã cơ bản hoàn thành, vào khoảng 4 tuổi mẹ Xu quyết định bắt đầu cho bạn ấy làm quen với việc đánh vần. Trước khoảng thời gian đó cả nhà cũng có thời gian làm quen ngắn nhưng không rõ ràng, khi hai ba con bạn ấy chơi hoặc đọc sách ba bắt đầu hướng dẫn cách bạn ấy đánh vần một số từ đơn giản để bạn ấy làm theo, hoặc đôi khi là đánh vần tên các thành viên trong gia đình, đánh vần bảng tên đồ vật trong nhà. Mục đích việc này để cho bạn ấy biết ngoài chữ cái tiếng Việt ra, muốn biết được nội dung chúng ta cần đọc được những chữ cái viết trong đó và sự thú vị của chúng. Thêm nữa cái cách ba bạn ấy áp dụng cũng khá hay, ba hay kể những câu chuyện lợi ích của việc đọc sách, con muốn biết những điều mới mẻ thì cần đọc để biết, muốn trở thành người hiểu biết thì cần đọc nhiều hơn. Và nhất là muốn trở thành công chúa được nhiều người yêu thương thì càng phải biết nhiều. Nghe những điều đó như thêm phần khích lệ để thôi thúc bạn ấy mong muốn học cách đánh vần hơn.

Về cơ bản việc học đánh vần cũng như việc học bảng chữ cái, mẹ Xu lại áp dụng hai bước tương tự như đã nói ở trên. Tuy nhiên ở việc này cần chú ý hơn một chút là lựa chọn bộ sách sao cho phù hợp, dễ hiểu, dễ tiếp cận nhất với bạn ấy. Loay hoay tìm hiểu một thời gian mẹ Xu cũng lựa chọn được cuốn Tập đánh vần tiếng Việt – Nhà xuất bản Hà Nội. Sách được biên tập theo dạng sơ đồ tư duy - Mind maps, cấu trúc chia làm các phần như: Học âm, Học chữ, Học vần, và Luyện đọc. Điều này sẽ giúp bố mẹ dễ dàng hướng dẫn các con học sao cho đúng cách.

Link sách mẹ Xu mua của Shop này, bố mẹ có thể tham khảo TẠI ĐÂY

Nhớ những ngày đầu mẹ Xu khá bất ngờ khi qua một vài bài cơ bản bạn ấy đã tiếp cận được luôn mà phần đó gần như ba chưa hướng dẫn, ngẫm lại mẹ Xu mới thấy duy trì việc đọc sách hàng ngày có tác dụng lớn thế nào cho bạn ấy sau này.

Video bạn Xu những ngày đầu tập đánh vần:

Trên đây là một số cách dạy bạn Xu làm quen với chữ cái, tập đánh vần tiếng Việt mẹ Xu muốn chia sẻ lại với các mẹ. Hy vọng với những cách này các mẹ có thể tham khảo và áp dụng cho các bé nhà mình sao cho hiệu quả nhất. Kiến thức là vô tận nên việc dạy con mẹ xu nghĩ không bao giờ là quá sớm, con được tiếp cận đúng giai đoạn sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Chúc bố mẹ và các con có những hoạt động vui vẻ bên nhau!

Bình luận

Võ Thị Thúy Anh (phamvo88871117@gmail.com)
Giá cuốn sách là bao nhiêu ạ;
Ngọc Bích (ngoisaoxinh2018@gmail.com)
Xin giá cuốn sách đánh vần từ 4 đến 6 tuổi 124 trang;
Họ tên:
Mobile:
Email:
Nội dung: