Đối phó KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 3 như thế nào?

Đối phó KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 3 như thế nào?

Chắc hẳn không ít bố/mẹ có con ở độ tuổi lên 3 than phiền rằng “Trời ơi! Đứa con bé bỏng đáng yêu của tôi bỗng trở lên ngang bướng thế này! Tại sao con lại luôn đòi hỏi, mè nheo, làm ngược ý bố/mẹ cơ chứ… vân vân và mây mây, mẹ Xu cũng đang trải qua giai đoạn này với con nên rất hiểu những cảm giác đó. Nó thực sự khiến chúng ta stress rất nặng, nếu như không giữ được bình tĩnh, không tìm ra được giải pháp chắc hẳn chúng ta cũng sẽ khủng hoảng theo các con.

Hôm nay trong khuôn khổ bài viết này mẹ Xu xin chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế, và những kiến thức mẹ Xu cóp nhặt, hy vọng sẽ gỡ rối được phần nào, giúp bố mẹ cùng con vượt qua “khủng hoảng” trong giai đoạn này. Nhưng trước hết chúng ta nên tìm hiểu vì sao lại có giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3?

  1. Nguyên nhân vì sao có giai đoạn “Khủng hoảng tuổi lên 3”

Khủng hoảng tuổi lên 3 là một quá trình phát triển tâm lý tự nhiên của các con. Khái niệm này được đưa ra lần đầu tiên trong Lý thuyết về sự phát triển tâm lý xã hội của Erik Erikson (1950, 1963). Ở độ tuổi này, con mong muốn thể hiện tính độc lập của bản thân, chính vì vậy con thường ngoan cố, có những phản ứng đối với những quyết định của chính mình…Khả năng nhận thức của con bắt đầu phát triển rõ rệt, và bắt đầu nảy sinh những hành động khác với bình thường chỉ để nhằm mục đích khẳng định cái tôi nhỏ bé của mình.

Ngoài ra con còn so sánh mình với người lớn, muốn được làm những việc như người lớn. Tuy nhiên, với khả năng hạn chế chưa thể tự làm được mọi việc hoặc bị bố mẹ ngăn cấm nên nảy sinh xung đột. Bên cạnh đó, ở tuổi này do khả năng ngôn ngữ chưa phát triển hoàn thiện khiến các con chưa biết cách diễn đạt trọn vẹn những mong muốn của mình với người lớn. Và chính điều này gây ức chế khiến con dễ nổi khùng.

  1. Vậy xử lý  “Khủng hoảng tuổi lên 3” như thế nào?

Việc đầu tiên bố mẹ nên làm là hãy tạo cơ hội để con được làm những việc trong phạm vi có thể của con như: có thể tự cắt hoa quả con muốn, tự chọn quần áo, tự xỏ giày… không nên vì một lý do độc đoán nào đó mà khiến con dễ nổi khùng hơn.

Hãy kiên nhẫn thay vì độc đoán: Khi con đang khủng hoảng bố mẹ nên kiên nhẫn và tìm hiểu vì sao con như vậy, hãy đặt địa vị vào con để tìm hiều các nhưu cầu cụ thể, rồi từ đó có những cách đáp ứng hợp lý nhất có thể.

Thiết lập các quy tắc, chuẩn mực hành vi: Ban đầu bố mẹ nên giải thích và đặt ra các quy tắc chuẩn mực bằng những từ ngữ đơn giản dễ hiểu. Và đặc biệt chính bố mẹ hãy luôn là những tấm gương hình mẫu tốt. Vì trong giai đoạn này đặc biệt con luôn muốn làm những việc bố mẹ làm.

Thỏa hiệp trong một số tình huống gay gắt: Ở một số trường hợp gay gắt cần có những thỏa hiệp nhất định, phân tích cho con hiểu được nên và không nên rồi để con tự do có quyền chọn lựa. Nếu con vẫn đưa ra những quyết định theo ý của mình, con phải xác định đó là quyết định của con và kết quả thế nào thì con sẽ phải chấp nhận điều đó.

Trấn an tâm lý và dành những cử chỉ yêu thương: Việc này tưởng chừng như rất dễ những cũng không ít bố mẹ mắc sai lầm vì chính bản thân bố mẹ cũng không kiểm soát được cảm xúc của mình. Bố mẹ nên trấn an tâm lý cho con, hãy cho con một cảm giác an toàn bằng những cử chỉ yêu thương thay vì những ánh mắt nhìn giận giữ. Hãy liên tục vỗ về để con bình tĩnh hơn rồi chúng ta cùng nhau giải quyết vấn đề. Hoặc cũng có thể dùng cách đánh lạc hướng khôn ngoan, đưa con tới một môi trường khác (ra ngoài chẳng hạn), tham gia một hoạt động khác…sau đó hãy tạo cơ hội nhắc lại và phân tích câu chuyện để con nhận ra những điều đó.

Trên đây là một số những gợi ý nho nhỏ giúp bố mẹ tìm ra được những cách riêng để cùng con vượt qua thời kỳ khủng hoảng. Mẹ Xu tin rằng với những hành vi và phản ứng tiêu cực của con trong giai đoạn này chắc chắn sẽ không tồn tại được lâu. Nhưng nếu chúng ra không nhìn nhận ra vấn đề một cách thấu đáo thì những hành vi, tâm lý tiêu cực đó sẽ ăn sâu vào tiềm thức, nó sẽ ảnh hưởng rất xấu đối với việc hình thành nhân cách sau này của con.

Hãy dừng lại một nhịp, chơi và chuyện trò cùng con nhiều hơn bố mẹ nhé!

Mẹ Xu - Giaoducsom.org

Bình luận

Họ tên:
Mobile:
Email:
Nội dung: